Việc xuất khẩu thép của Việt Nam cũng gặp thuận lợi khi giá thành sản xuất cạnh tranh. VCBS cho rằng Việt Nam với lợi thế sản xuất thép từ công nghệ BOF là chính, đồng thời đang dần tự chủ được nguồn cung HRC trong nước đã giúp hạ giá thành sản phẩm.
Trong báo cáo mới được công bố, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đã có những đánh giá tích cực với triển vọng ngành thép trong bối cảnh tiêu thụ nội địa sẽ hồi phục mạnh sau giãn cách cũng như xuất khẩu thép vẫn đang hưởng lợi.
Tiêu thụ thép trong nước tăng mạnh sau giãn cách
Kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công cho năm 2020 – 2021 ở mức cao lịch sử so với trung bình 3 năm trước đó, tuy nhiên thì tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm nay thấp hơn hẳn so với các năm trước đó cùng thời kỳ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Do đó, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, VCBS cho rằng thời gian sắp tới khi dần mở cửa sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân và xây dựng hơn nhiều và sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng.
Bên cạnh đó, nhiều dự án BĐS đã bị hoãn lại trong thời gian qua bởi ảnh hưởng giãn cách xã hội. VCBS kỳ vọng từ Q4/2021, các dự án sẽ nhanh chóng được triển khai sau 1 thời gian dài giãn cách, qua đó thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thép trong nước.
Giá thép trên thế giới tiếp tục giữ mức cao cho đến năm 2022
Các nguyên liệu đầu vào trong ngành thép đang có mức giá cao, nổi bật là than cốc và giá điện. Theo VCBS, điều này sẽ khiến giá thành sản xuất thép từ lò BOF (phần lớn thép Việt Nam theo công nghệ BOF) sẽ tiếp tục thấp hơn từ lò EAF (các nước Âu Mỹ chủ yếu dùng công nghệ này). Ước tính, giá thành sản xuất thép BOF hiện tại thấp hơn khoảng 20% so với giá thành sản xuất từ lò EAF.
VCBS dự báo giá thép trên thế giới tiếp tục giữ ở mức như hiện tại cho đến 2022 trong bối cảnh Trung Quốc đang siết chặt giảm sản lượng sản xuất thép hàng năm do các vấn đề về môi trường và hạn chế tiêu thụ năng lượng. Điều này khiến cho nguồn cung về thép trên toàn thế giới giảm đi khi Trung Quốc là nước xuất khẩu thép lớn nhất thế giới.
Ngoài ra, nhu cầu thép trên thế giới vẫn đang tiếp tục gia tăng với các gói kích thích đầu tư công liên tục giải ngân nhằm kích thích kinh tế sau Covid-19.
Xuất khẩu thép tiếp tục thuận lợi
Theo VCBS, việc Trung Quốc giảm dần sản lƣợng xuất khẩu, gây ra thiếu hụt cho các đối tác thường xuyên nhập khẩu thép từ Trung Quốc và mở ra cơ hội cho các quốc gia xung quanh thâm nhập vào thị trường này như Việt Nam.
Biện pháp tự vệ quota tại Châu Âu cũng khiến cho các quốc gia đang xuất khẩu lớn vào Châu Âu trong thời gian ngắn khó tăng thêm sản lượng xuất vào thị trường này khi nhu cầu tăng đột biến. Do đó, tạo cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.
Ngoài ra, việc xuất khẩu thép của Việt Nam cũng gặp thuận lợi khi giá thành sản xuất cạnh tranh. VCBS cho rằng Việt Nam với lợi thế sản xuất thép từ công nghệ BOF là chính, đồng thời đang dần tự chủ được nguồn cung HRC trong nước đã giúp hạ giá thành sản phẩm.
Với quan điểm trên, VCBS khuyến nghị đầu tư vào cổ phiếu HPG, HSG và NKG.
Với HPG, VCBS cho biết Hòa Phát hiện là đơn vị cung ứng chủ yếu HRC cho thị trường Việt Nam. Với công nghệ BOF hiện đại, HPG có thể sản xuất thép giá thành cạnh tranh trên thế giới. Bên cạnh đó, Hòa Phát cũng đang phát triển thêm các mảng sản xuất chế tạo các sản phẩm sau thép nhằm tạo thêm thị trường tiêu thụ cho thép HRC.
Trong khi đó, nhờ việc thiếu nguồn cung thép tại Châu Âu do việc cắt giảm sản lượng trong bối cảnh Covid-19 mà NKG đã xuất khẩu được nhiều sản phẩm sang EU, nhà máy đạt 100% công suất giúp đạt hiệu quả cao trong kinh doanh. Đồng thời, NKG có tỷ lệ xuất khẩu thép 80% và ít bị ảnh hưởng từ giãn cách xã hội so với HPG và HSG.
Tương tự, HSG cũng có cơ hội thâm nhập vào thị trường Châu Âu, trong khi vẫn còn dư địa trong sản xuất khi tỷ lệ huy động mới đạt 70%.