Lạm phát đang tàn phá khắc nghiệt với mọi người dân nước Mỹ, kể cả nông dân.
Giá phân bón tăng cao đi kèm với giá năng lượng cùng với tỷ lệ lạm phát kỷ lục do cuộc xung đột Ukraine đã khiến nông dân Mỹ gặp nhiều áp lực, qua đó đe dọa đến an ninh lương thực của cường quốc số 1 thế giới.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng tới 8,5% trong tháng 3/2022, mức cao nhất trong 40 năm qua, và hiện vẫn đang tiếp tục đi lên. Trong khi đó giá xăng dầu đã tăng hơn 2 USD/gallon so với cùng kỳ năm trước. Giá phân bón cũng tăng 42% kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra, qua đó buộc những người nông dân Mỹ phải cắt giảm chi phí.
"Sẽ rất khó khăn cho chúng tôi nếu muốn tiết kiệm xăng dầu bởi chúng liên quan đến kỹ thuật canh tác, thậm chí điều này có thể làm thay đổi cách canh tác của ngành nông nghiệp", anh Steve Dombrowski, một nông dân tại Mỹ cho biết.
Anh Craig Robertson, Steve Dombrowski và Nick Vowles là những nông dân của bang Illinois từng có "Giấc mơ Mỹ", mưu cầu sự hạnh phúc và giàu có khi theo gia đình làm nông và giờ đây kế thừa cả 1 trang trại. Thế nhưng giờ đây công việc này lại trở thành gánh nặng với chính bản thân và gia đình họ.
"Mọi người nhìn thấy giá lương thực tăng và ai cũng nghĩ người nông dân chắc sẽ giàu có hơn, nhưng sự thật lại hoàn toàn khác", anh Robertson, chủ một trang trại trồng đậu nành, lúa mỳ và ngô ngậm ngùi.
Phát quá nhiều tiền
Theo anh Robertson, tình hình nông nghiệp tại Mỹ đang tồi tệ hơn bao giờ hết dù giá hàng loạt mặt hàng nông sản tăng mạnh.
Số liệu của Macro Trends cho thấy giá ngô đã tăng 11% còn lúa mỳ là 13% kể từ khi xung đột Ukraine bùng phát. Nhu cầu về lúa mỳ tại Mỹ đã tăng cao chưa từng có do cả Nga và Ukraine đều là những nước xuất khẩu chủ chốt mặt hàng này.
Vậy nhưng theo Nghị sĩ Tom Tiffany từ bang Winconsin, lạm phát phi mã cùng giá nhiên liệu, phân bón tăng cao đã khiến người nông dân mất sạch lợi nhuận, nếu như không muốn nói là thua lỗ. Hệ quả là họ buộc phải tăng giá sản phẩm, qua đó tiếp tục đẩy lạm phát đi lên tạo thành vòng luẩn quẩn.
Đồng quan điểm, nghị sĩ Tony Kurtz cũng từ bang Winconsin cho biết giá dầu diesel chỉ có 1,68 USD/gallon năm 2020 thì đến năm 2021 nó đã tăng lên 2,49 USD/gallon. Giờ đây giá dầu diesel đã tăng lên đến 4,05 USD/gallon.
"Tôi có thể khẳng định rằng giá xăng quá cao sẽ ảnh hưởng đến mọi nông trại", Nghị sĩ Kurtz, người đã làm nông từ năm 2007 đến nay cho biết.
Trong khi đó, bà Rachel Schroeder, người đã kinh doanh nông trại được 5 năm cho biết lợi nhuận của họ ngày càng mỏng vì chi phí ăn mòn mức giá tăng cao.
"Lợi nhuận của chúng tôi luôn rất thấp. Hàng năm gia đình tôi đều bàn đến chuyện có nên tiếp tục giữ nông trại lại hay không", bà Rachel chán nản.
Theo vị nữ chủ nông trại này, việc chính phủ trợ cấp quá nhiều đang khiến tình hình trở nên rối rắm. Quá nhiều tiền được tung ra nền kinh tế, đi kèm với hàng loạt trợ cấp vì đại dịch Covid-19 đã khiến lạm phát phi mã và khiến nghề nông gặp khó khăn như hiện tại.
"Chúng tôi rất muốn tiếp tục nghề nông nhưng với những chính sách hỗ trợ hợp lý chứ không phải cái kiểu cứ vứt tiền như rác để rồi lạm phát tăng cao như hiện nay", bà Rachel bực bội.
Thách thức
Những người nông dân tại Mỹ và khắp thế giới đang chạy đua cho vụ mùa 2022, thế nhưng các chủ nông trại như bà Schroeder đã phải chuẩn bị phân bón cho đất từ mùa thu năm 2021 vì chẳng biết được liệu họ có đủ tiền mua chúng không nữa.
Năm 2021, Nghị sĩ Kurtz, đồng thời cũng là chủ một trang trại đã mua phân bón với giá 773 USD/tấn, giờ đây chúng lên giá tới 1.425 USD/tấn.
"Rất nhiều nông dân đã chịu ảnh hưởng vì cuộc xung đột Ukraine khi Nga là một trong những nước sản xuất phân bón lớn. Những người nông dân chúng tôi đang cố gắng sản xuất nhiều nhất có thể cho nước Mỹ nhưng thật không may, lạm phát quá cao cùng nhiều chi phí tăng giá khác đã làm đảo lộn mọi thứ", Nghị sĩ Kurtz chán nản.
Không riêng gì phân bón hay xăng dầu, nhiều nguyên vật liệu khác tăng giá cũng khiến nông dân Mỹ điên đầu. Anh Joe Ebert, một nông dân 3 đời làm nghề nông cho biết việc tìm kiếm thiết bị phụ tùng thay thế, sửa chữa hiện nay cũng khó khăn.
"Tôi đã sốc khi hỏi mua 5 thanh sắt 6x4 để sửa chiếc máy cày và được báo giá 300 USD mỗi chiếc. Trước chúng chỉ tốn khoảng 250 USD tất cả nhưng giờ đây tôi phải chi đến 1.500 USD. Năm ngoái tôi đã phải chi đến 10.000 USD tiền xăng dầu và năm nay có thể lên đến 15.000 USD cho nông trại nhỏ của mình. Đó mới chỉ là 1 trong nhiều thứ tăng giá khác. Tôi không biết mình có thể chịu đựng nổi cảnh này đến bao giờ nữa", anh Ebert ngán ngẩm.
Mang tiếng
Dù giá nông sản tăng cao nhưng nhiều nông trại chẳng mấy vui vẻ gì khi chi phí cũng đắt đỏ chẳng kém. Anh Joe Bragger, chủ một nông trại bò sữa cho biết giá sữa đi lên nhưng chi phí cũng tăng theo. Trước đây anh chỉ tốn khoảng 4.500 USD/năm để vận chuyển sữa vào thị trấn thì nay con số này là 60.000 USD.
"Bạn đừng có trông đợi dịch bệnh hay chiến tranh có thể đem lại lợi nhuận cho người nông dân. Nếu chi phí tăng gấp đôi thì sản phẩm của chúng tôi chưa chắc đã tăng theo được ngay vì còn liên quan đến nhiều khâu. Hậu quả là chính nông dân phải chịu lỗ trước. Thế rồi cũng chính chúng tôi bị mọi người bêu rếu vì để giá lương thực tăng cao. Xin hãy nhớ rằng chúng tôi cũng cần nuôi gia đình", anh Bragger than thở.
Nghị sĩ Tiffany cho biết thu nhập của các nông trại Mỹ trong năm nay sẽ giảm 8%.
"Vậy là giá tăng lại chẳng giúp người nông dân giàu hơn hay cấp cho họ đủ vốn để cải thiện năng suất. Thay vào đó chúng lại khiến hoạt động nông nghiệp suy giảm. Đây là thực trạng đang diễn ra trên toàn nước Mỹ. Lạm phát đang tàn phá khắc nghiệt với mọi người dân nước Mỹ", Nghị sĩ Tiffany cảnh báo.