Đổi ngôi ngân hàng vốn điều lệ lớn nhất
Sau 9 tháng đầu năm, VietinBank đã vượt qua BIDV trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống. Sau khi phát hành gần 1,1 tỷ cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ hơn 29%, vốn điều lệ của VietinBank đã chính thức nâng lên mức 48.058 tỷ đồng.
Song, ngân hàng này còn đặt tham vọng lớn hơn với kế hoạch đưa chỉ tiêu này đến cuối năm lên mức 54.134 tỷ đồng. Nếu không có gì thay đổi, mức vốn điều lệ trên có thể giúp VietinBank giữ vững danh hiệu ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống vào cuối năm.
Tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường sáng 3/11, Chủ tịch VietinBank cũng khẳng định chắc chắn trong năm nay ngân hàng sẽ thực hiện đúng được các chỉ tiêu đã đăng ký với ĐHĐCĐ, có thể có những chỉ tiêu trên mức đã đăng ký.
Mặt khác, vị trí á quân đang thuộc về VPBank do ngân hàng này đã hoàn tất việc phát hành hơn 1,97 tỷ cổ phiếu chia cổ tức tỷ lệ 80%. Qua đó, tăng vốn điều lệ thêm tối đa gần 19.758 tỷ đồng lên gần 45.058 tỷ đồng, tăng 80% so với hiện tại.
Dù vậy, thứ hạng của hai ngân hàng trên có khả năng sẽ tiếp tục bị xáo trộn khi mới đây, HĐQT Vietcombank đã phê duyệt tăng vốn điều lệ theo phương án đã được thông qua ĐHĐCĐ thường niên 2021. Sau phát hành, vốn điều lệ thêm 10.236 tỷ đồng lên hơn 47.325 tỷ đồng.
Đây là lần chia cổ tức bằng cổ phiếu đầu tiên sau 10 năm kể từ lần đầu tiên kể từ năm 2011.
Trước đó, vào giữa tháng 9, Thủ tướng đã phê duyệt phương án đầu tư bổ sung 7.600 tỷ đồng tại Vietcombank để duy trì tỷ lệ sở hữu của Nhà nước.
Nếu tăng vốn thành công lần này, Vietcombank sẽ soán ngôi "đầu bảng" xét về vốn điều lệ toàn ngành hiện đang nằm trong tay của VietinBank.
Trong khi đó, quán quân vốn điều lệ đầu năm nay BIDV sẽ tạm thời lùi về vị trí thứ tư khi phương án tăng vốn lên 48.500 tỷ đồng vẫn chưa được phê duyệt.
Ngày 22/11 tới đây, ngân hàng sẽ chốt danh sách cổ đông lấy ý kiến bằng văn bản về phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.
Theo kế hoạch đã thông qua tại ĐHCĐ thường niên hồi đầu năm, ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ thêm 8.304 tỷ đồng lên 48.524 tỷ (tức tăng 20,6%) thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm.
Những cái tên nổi trội khác trong cuộc đua tăng vốn không thể không nhắc đến Techcombank và MB. Ghi nhận vào đầu năm nay, vốn điều lệ của hai ngân hàng này lần lượt xếp thứ 4 và thứ 5 toàn hệ thống.
Tuy nhiên, nhờ tăng vốn thành công lên 37.783 tỷ đồng, MB đã vươn lên vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng vượt qua 2 "ông lớn" Vietcombank và Agribank; trong khi Techcombank vẫn tiếp tục đứng ở vị trí thứ 5.
Ngoài ra, một số ngân hàng có kế hoạch tăng vốn khủng khác trong năm 2021 phải kể đến như ABBank (tăng 64,7%) Sacombank (tăng gần 32%); VIB (tăng 44,2%); SCB (Tăng 32,8%); OCB (tăng 31,8%); ACB và HDBank (cùng tăng 25%);...
Áp lực tăng vốn luôn hiện hữu
Dù vốn điều lệ của nhiều ngân hàng tăng mạnh sau 9 tháng đầu năm, nhiều ý kiến cho rằng áp lực tăng vốn luôn tồn tại khi các ngân hàng phải đáp ứng các yêu cầu của Basel II, và tiếp tục nâng cao Basel III.
Trong chia sẻ gần đây, Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng cho biết ngân hàng lúc nào cũng ở trong xu thế bắt buộc phải tăng vốn để có cơ hội được tăng tín dụng và tăng tổng tài sản. Nhu cầu cấp thiết về tăng vốn sẽ ảnh hưởng đến chuyện được ưu tiên tăng trưởng tín dụng cho nên các ngân hàng cần tăng vốn càng sớm càng tốt.
"Theo thống kê của chúng tôi, phần lớn các ngân hàng Việt Nam, đặc biệt là các ngân hàng lớn, mức hệ số an toàn vốn (CAR) chỉ nằm trong khoảng 9% đối với ngân hàng cổ phần. Đối với ngân hàng vốn Nhà nước thì hệ số này còn thấp hơn vì việc tăng vốn khó hơn do có nhiều các cơ chế điều tiết," ông Hưng chia sẻ.
Ông Hưng cũng cho rằng mỗi khi các ngân hàng muốn tăng tài sản có rủi ro như dư nợ hoặc danh mục đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp hay các danh mục có rủi ro khác thì lượng vốn tự có cũng đòi hỏi phải tăng lên tương ứng và để duy trì CAR ở mức 8% (mức tối thiểu) thì vẫn chưa đạt yêu cầu.
Theo báo cáo của HSBC, tỷ lệ CAR của Việt Nam đang thua kém các nước trong khu vực vì là nước ASEAN duy nhất chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn tối thiểu 8% của Basel II.
"Đặc biệt, hệ số CAR ở một số ngân hàng quốc doanh vẫn ở mức thấp. Do đó, Việt Nam cần tiến hành các kế hoạch tái cấp vốn và đẩy nhanh việc áp dụng các yêu cầu của Basel II, vốn đã bị trì hoãn từ năm 2020 đến đầu năm 2023," HSBC khuyến nghị.