Trả lời Báo Công Thương, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính, cho biết tiêu thụ thép xây dựng tăng cao cho thấy tín hiệu vui từ nền kinh tế. Tăng sản lượng bán hàng thép xây dựng thường đi kèm với sự phát triển trong ngành xây dựng. Điều này cho thấy có nhiều dự án xây dựng hạ tầng, bất động sản, công nghiệp… mới được triển khai.
“Khởi sắc trong sản lượng bán hàng thép xây dựng có thể là một yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp tạo ra việc làm, nâng cấp hạ tầng và tạo động lực cho các ngành công nghiệp liên quan”, ông Long nhấn mạnh.
Vẫn theo chuyên gia, sự tăng trưởng tiêu thụ thép xây dựng trong bối cảnh khó khăn có thể cho thấy sự linh hoạt và thích nghi của ngành thép và ngành xây dựng. Việc triển khai các dự án quan trọng như cao tốc, sân bay… mới có thể giúp duy trì sự tăng trưởng và tạo cơ hội cho ngành công nghiệp.
Đồng thời cho thấy, nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được Chính phủ và các cơ quan nhà nước ban hành đã có tác động tích cực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…
Tuy nhiên, cần lưu ý mặc dù sản lượng bán hàng thép xây dựng tăng, nhu cầu thị trường vẫn yếu. Điều này có thể đặt ra thách thức cho ngành thép và yêu cầu các biện pháp và chiến lược để duy trì và tăng cường tăng trưởng trong những tháng cuối năm.
Sản xuất thép xây dựng tháng 9/2023. Nguồn: VSA |
Đồng quan điểm, theo VSA, hiện nhu cầu thị trường với các mặt hàng thép nói chung vẫn yếu, chưa được cải thiện nhiều. Tăng trưởng tiêu tụ thép trong tháng 9 chủ yếu nhờ các dự án giao thông như cao tốc Bắc – Nam, các dự án sân bay mới được triển khai, đẩy nhanh tiến độ, và một số dự án khác.
Dữ liệu VSA từ các đơn vị thành viên và ước số liệu tổng hợp các nhà sản xuất thép ngoài hiệp hội cho thấy tháng 9/2023, sản lượng thép xây dựng sản xuất đạt 876.043 tấn, giảm lần lượt so với tháng trước là 6% và giảm 20% so với tháng 9/22. Bán hàng đạt 958.560 tấn, tăng 9% so với tháng trước và tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, sản xuất thép xây dựng đạt 7,722 triệu tấn, giảm 21,6% so với cùng kỳ 2022. Bán hàng đạt 7,738 triệu tấn, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu đạt 344.676 tấn, giảm 12,9% so với cùng kì năm 2022.
Về sản xuất thép thô, tháng 9 năm nay sản xuất đạt 1.656.440 tấn, giảm 6,2% so với tháng trước, nhưng tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2022. Tiêu thụ thép thô đạt 1.721.946 tấn, tăng 11% so với tháng trước, và tăng 17% so với tháng 9/2023. Trong đó, xuất khẩu thép thô là 160.946 tấn, tăng 11% so với tháng 8/23 và tăng khá cao so với cùng thời điểm tháng 9/2022.
Tính chung 9 tháng, sản xuất đạt hơn 14,070 triệu tấn, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2022. Tiêu thụ đạt 13,869 triệu tấn, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó xuất khẩu đạt 1.434 ngàn tấn, tăng 81% so với cùng kỳ 2022.
Theo báo cáo của nhóm chuyên gia của ngân hàng BIDV, dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2023 có thể đạt 5-5,2% (kịch bản cơ sở) hoặc 5,3-5,5% (kịch bản tích cực) nhờ tiêu dùng tăng trưởng vững chắc, đầu tư công tiếp tục được mở rộng, đầu tư tư nhân, các lĩnh vực gặp khó khăn như xuất khẩu, sản xuất công nghiệp, thị trường bất động sản… sẽ tiếp tục cải thiện. Triển vọng thị trường thép trong nước quý IV/2023 sẽ tốt hơn so với các quý trước đó.
Tương tự, các chuyên gia Chứng khoán KB Việt Nam (KBSC) cho rằng diễn biến thị trường thép nội địa dù còn nhiều khó khăn song đang dần cho thấy những tín hiệu khả quan hơn. KBSC kỳ vọng rằng, nhu cầu tiêu thụ thép trong nước có thể bắt đầu duy trì tích cực kể từ đầu năm 2024.